Thêm nhiều cách để giúp các trang web xem trước nội dung của trang trên Google Tìm kiếm

Thứ Ba, ngày 24 tháng 9 năm 2019

Google sử dụng bản xem trước nội dung, bao gồm đoạn trích dạng văn bản và các nội dung đa phương tiện khác, để giúp người dùng xác định xem kết quả có liên quan đến cụm từ tìm kiếm của họ hay không. Việc người dùng nhìn thấy loại nội dung xem trước nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có loại nội dung họ tìm kiếm và loại thiết bị họ dùng để xem.

Ví dụ: nếu tìm kết quả về công thức nấu ăn trên Google, bạn có thể sẽ thấy hình thu nhỏ và điểm xếp hạng của người dùng vì những dữ liệu này có thể hữu ích hơn so với đoạn trích văn bản trong việc giúp bạn chọn món ăn. Cũng có thể bạn đang tìm kiếm một buổi hoà nhạc ở gần chỗ của bạn và Google cho phép bạn mua vé tham dự sự kiện ngay trong kết quả tìm kiếm. Google làm được những điều này là nhờ việc nhà xuất bản đánh dấu trang bằng dữ liệu có cấu trúc.

Google tự động tạo bản xem trước là để giúp người dùng hiểu được sự liên quan giữa kết quả tìm kiếm của chúng tôi với nội dung họ tìm kiếm và tại sao họ nên truy cập các trang được liên kết. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy chủ sở hữu trang web có thể cũng muốn tự điều chỉnh phạm vi của nội dung xem trước trong kết quả tìm kiếm. Do đó, để giúp từng trang web dễ dàng xác định cụ thể nội dung đoạn trích hoặc lượng nội dung sẽ xuất hiện trong đoạn trích, cũng như lượng nội dung đa phương tiện khác trong bản xem trước, chúng tôi sẽ triển khai một số tuỳ chọn cài đặt mới cho quản trị viên trang web.

Thông báo cho Google về chế độ ưu tiên của bạn đối với đoạn trích và bản xem trước nội dung

Trước đây, bạn chỉ có hai lựa chọn là cho phép hoặc không cho phép Google cung cấp đoạn trích dạng văn bản. Nhưng giờ đây, chúng tôi sẽ ra mắt một số phương pháp giúp bạn thiết lập nội dung xem trước cho các trang một cách chi tiết hơn. Bạn có thể thực hiện việc này qua hai loại chế độ cài đặt mới: một nhóm thẻ meta robots và một thuộc tính HTML.

Dùng thẻ meta robots

Bạn có thể thêm thẻ meta robots vào <head> của một trang HTML hoặc chỉ định thẻ này thông qua tiêu đề HTTP x-robots-tag. Các thẻ meta robots nhắm đến nội dung xem trước của trang là:

  • nosnippet
    Đây là tuỳ chọn hiện có để chỉ định rằng bạn không muốn Google cung cấp đoạn trích dạng văn bản cho trang này.
  • max-snippet:[số]
    Mới! Bạn có thể dùng thẻ này để chỉ định độ dài tối đa (tính theo số ký tự) của một đoạn trích dạng văn bản cho trang của bạn.
  • max-video-preview:[số]
    Mới! Bạn có thể dùng thẻ này để chỉ định thời lượng tối đa (tính bằng giây) cho một bản xem trước dạng video ảnh động.
  • max-image-preview:[chế độ cài đặt]
    Mới! Bạn có thể chỉ định kích thước tối đa của hình ảnh xem trước cho các hình ảnh trên trang này, bằng cách sử dụng none, standard hoặc large.

Bạn có thể sử dụng kết hợp các thẻ meta này như trong ví dụ sau:

<meta name="robots" content="max-snippet:50, max-image-preview:large" />

Các chế độ cài đặt bản xem trước do những thẻ meta này chỉ định sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 10 năm 2019 và có thể mất khoảng một tuần để hoàn tất quá trình ra mắt trên toàn cầu.

Sử dụng thuộc tính HTML mới: data-nosnippet

Giờ đây, bạn đã có một cách mới để ngăn một phần cụ thể trên trang xuất hiện trong đoạn trích, đó là sử dụng thuộc tính HTML data-nosnippet trong các phần tử span, divsection. Nhờ thuộc tính này, bạn có thể ngăn Google đưa phần một nội dung cụ thể trên trang HTML vào đoạn trích văn bản cho trang đó.

Ví dụ:

<span data-nosnippet="data-nosnippet">Harry Houdini</span> is undoubtedly the most famous magician ever to live.

Thuộc tính HTML data-nosnippet sẽ bắt đầu có tác động đến cách trình bày nội dung trên các sản phẩm của Google trong năm nay. Hãy tìm hiểu thêm trong tài liệu dành cho nhà phát triển về thẻ meta robots, x-robots-tagdata-nosnippet của chúng tôi.

Nội dung trong dữ liệu có cấu trúc đủ điều kiện xuất hiện dưới dạng kết quả nhiều định dạng trong kết quả tìm kiếm. Những loại kết quả như vậy không cần tuân theo giới hạn đã đặt ra trong các chế độ cài đặt bằng thẻ meta robots nêu trên. Thay vào đó, bạn có thể thiết lập các loại kết quả này một cách chi tiết hơn thông qua việc giới hạn hoặc điều chỉnh nội dung mà bạn cung cấp trong chính dữ liệu có cấu trúc. Ví dụ: nếu bạn đưa một công thức nấu ăn vào dữ liệu có cấu trúc, thì nội dung của dữ liệu có cấu trúc đó có thể sẽ xuất hiện trong một băng chuyền về công thức nấu ăn trong kết quả tìm kiếm. Tương tự, nếu bạn đánh dấu một sự kiện bằng dữ liệu có cấu trúc, thì sự kiện đó có thể sẽ xuất hiện dưới dạng sự kiện trong kết quả tìm kiếm. Để hạn chế nội dung xuất hiện trong những trường hợp như vậy, nhà xuất bản có thể giới hạn lượng và loại nội dung họ đưa vào dữ liệu có cấu trúc.

Một số tính năng đặc biệt trong Tìm kiếm còn phụ thuộc vào việc trang có nội dung xem trước hay không. Vì thế, nếu bạn hạn chế bản xem trước thì nội dung của bạn có thể sẽ không xuất hiện qua những tính năng này. Ví dụ: đoạn trích nổi bật chỉ xuất hiện khi có đủ số lượng ký tự nhất định để cung cấp trong kết quả tìm kiếm. Ngưỡng này có thể thay đổi tuỳ theo ngôn ngữ. Vì vậy, chúng tôi không thể nêu cụ thể độ dài max-snippets cần có để đảm bảo nội dung của bạn sẽ xuất hiện dưới dạng đoạn trích nổi bật. Nếu bạn không muốn nội dung của mình xuất hiện dưới dạng đoạn trích nổi bật, thì bạn có thể thử giảm độ dài max-snippet. Còn nếu muốn chỉ định rõ ràng rằng bạn chọn không tham gia tính năng đoạn trích nổi bật, thì bạn nên sử dụng nosnippet.

Định dạng AMP

Định dạng AMP đem lại một số lợi ích nhất định, trong đó có việc giúp hình thu nhỏ của bạn đủ điều kiện xuất hiện nổi bật hơn trong kết quả tìm kiếmnguồn cấp dữ liệu của Google Khám phá. Thực tế cho thấy những đặc điểm này đã giúp mang lại thêm nhiều lưu lượng truy cập cho bài viết của nhà xuất bản. Tuy nhiên, nếu nhà xuất bản không muốn Google sử dụng hình thu nhỏ có kích thước lớn khi các trang AMP của họ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm và Khám phá, thì họ có thể sử dụng các chế độ cài đặt thẻ meta robots ở trên để chỉ định max-image-previewstandard hoặc none.

Những tuỳ chọn này là dành cho tất cả chủ sở hữu nội dung trên thế giới và sẽ có cùng cách thức hoạt động đối với mọi kết quả tìm kiếm mà chúng tôi cung cấp trên toàn cầu. Chúng tôi hy vọng chúng sẽ giúp bạn thu lại nhiều giá trị hơn qua Tìm kiếm và đạt được mục tiêu kinh doanh của mình. Để biết thêm thông tin, hãy xem tài liệu dành cho nhà phát triển về thẻ meta. Nếu có thắc mắc, bạn có thể liên hệ với chúng tôi hoặc truy cập diễn đàn trợ giúp dành cho quản trị viên trang web.