Các phương pháp hay nhất về SEO cho hình ảnh trên Google

Google cung cấp một số sản phẩm và tính năng trên Tìm kiếm để giúp người dùng khám phá thông tin trên web một cách trực quan, chẳng hạn như hình ảnh cho kết quả văn bản, Google Khám phá và Google Hình ảnh. Tuy mỗi tính năng và sản phẩm có vẻ khác nhau, nhưng các đề xuất chung để giúp hình ảnh xuất hiện trong các tính năng và sản phẩm đó thì giống nhau.

Hình minh hoạ thể hiện hình ảnh trong kết quả tìm kiếm trên Google, thẻ hình ảnh và Khám phá

Bạn có thể tối ưu hoá để hình ảnh của mình xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google bằng cách làm theo các phương pháp hay nhất sau:

  1. Giúp chúng tôi khám phá và lập chỉ mục hình ảnh của bạn
  2. Tối ưu hoá trang đích của hình ảnh

Giúp chúng tôi khám phá và lập chỉ mục hình ảnh của bạn

Các yêu cầu về kỹ thuật để đưa nội dung của bạn vào kết quả tìm kiếm của Google cũng được áp dụng cho hình ảnh. Do hình ảnh có định dạng khác biệt đáng kể so với HTML, nên bạn phải đáp ứng thêm các yêu cầu để được lập chỉ mục hình ảnh; ví dụ: việc tìm hình ảnh trên trang web của bạn sẽ khác, việc trình bày hình ảnh cũng ảnh hưởng đến việc hình ảnh có được lập chỉ mục hay không và liệu có từ khoá phù hợp hay không.

Sử dụng các phần tử hình ảnh HTML để nhúng hình ảnh

Việc sử dụng các phần tử hình ảnh HTML chuẩn giúp trình thu thập dữ liệu tìm và xử lý hình ảnh. Google phân tích cú pháp các phần tử HTML <img> (ngay cả khi các phần tử này nằm trong các phần tử khác như <picture>) trên các trang của bạn để lập chỉ mục hình ảnh, nhưng không lập chỉ mục hình ảnh CSS.

Hay:

<img src="puppy.jpg" alt="Chú chó retriever lông vàng" />

Kém:

<div style="background-image:url(puppy.jpg)">Chú chó retriever lông vàng</div>

Dùng sơ đồ trang web dành cho hình ảnh

Bạn có thể gửi sơ đồ trang web dành cho hình ảnh để cung cấp URL của những hình ảnh mà có thể chúng tôi không phát hiện ra được theo cách khác.

Không giống như sơ đồ trang web thông thường, bạn có thể đưa URL thuộc các miền khác vào phần tử <image:loc> của sơ đồ trang web dành cho hình ảnh. Điều này cho phép bạn dùng các CDN (mạng phân phối nội dung) để lưu trữ hình ảnh. Nếu đang sử dụng CDN, bạn nên xác minh quyền sở hữu tên miền của CDN trong Search Console để chúng tôi có thể thông báo cho bạn mọi lỗi thu thập dữ liệu mà có thể chúng tôi tìm thấy.

Hình ảnh thích ứng

Việc thiết kế trang web thích ứng sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, vì người dùng có thể truy cập những trang đó trên nhiều loại thiết bị. Hãy tham khảo hướng dẫn về hình ảnh thích ứng để tìm hiểu các phương pháp hay nhất cho việc xử lý hình ảnh trên trang web của bạn.

Các trang web sử dụng phần tử <picture> hoặc thuộc tính srcset của phần tử img để chỉ định hình ảnh thích ứng. Tuy nhiên, một số trình duyệt và trình thu thập dữ liệu không hiểu được những thuộc tính này. Lúc nào bạn cũng nên chỉ định một URL dự phòng qua thuộc tính src.

Thuộc tính srcset cho phép bạn chỉ định nhiều phiên bản của cùng một hình ảnh, đặc biệt là cho từng kích thước màn hình. Ví dụ:

<img
  srcset="maine-coon-nap-320w.jpg 320w, maine-coon-nap-480w.jpg 480w, maine-coon-nap-800w.jpg 800w"
  sizes="(max-width: 320px) 280px, (max-width: 480px) 440px, 800px"
  src="maine-coon-nap-800w.jpg"
  alt="A watercolor illustration of a maine coon napping leisurely in front of a fireplace">

Phần tử <picture> là một vùng chứa được dùng để nhóm nhiều phiên bản <source> của cùng một hình ảnh. Phần tử này cung cấp một phương pháp dự phòng để trình duyệt có thể chọn hình ảnh phù hợp, tuỳ thuộc vào khả năng của thiết bị, chẳng hạn như mật độ pixel và kích thước màn hình. Phần tử picture cũng hữu ích khi dùng các định dạng hình ảnh mới có tích hợp sẵn khả năng thích ứng với phiên bản cũ cho các ứng dụng có thể chưa hỗ trợ những định dạng đó.

Theo mục 4.8.1 của Tiêu chuẩn HTML, hãy nhớ cung cấp phần tử img dưới dạng phần tử dự phòng có thuộc tính src khi sử dụng phần tử picture theo định dạng sau:

<picture>
  <source type="image/svg+xml" srcset="pyramid.svg">
  <source type="image/webp" srcset="pyramid.webp">
  <img src="pyramid.png" alt="An 1800s oil painting of The Great Pyramid">
</picture>

Sử dụng những định dạng hình ảnh được hỗ trợ

Google Tìm kiếm hỗ trợ những định dạng hình ảnh sau: BMP, GIF, JPEG, PNG, WebP và SVG . Bạn cũng nên để đuôi của tên tệp trùng với loại tệp.

Bạn cũng có thể chèn hình ảnh cùng dòng dưới dạng các URI dữ liệu. URI dữ liệu cho phép bạn chèn một tệp (chẳng hạn như một hình ảnh) cùng dòng bằng cách đặt thuộc tính src của một phần tử img thành một chuỗi mã hoá Base64 theo định dạng sau:

<img src="data:image/svg+xml;base64,[data]">

Hình ảnh cùng dòng có thể làm giảm số yêu cầu HTTP, nhưng hãy xem xét cẩn thận những trường hợp nên sử dụng loại hình ảnh này vì chúng có thể làm tăng đáng kể kích thước của trang. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, hãy xem mục về ưu và nhược điểm của hình ảnh cùng dòng trên trang web.dev của chúng tôi.

Tối ưu hoá để tăng tốc độ và chất lượng

Ảnh chất lượng cao thu hút người dùng nhiều hơn so với hình ảnh mờ, không rõ ràng. Ngoài ra, hình thu nhỏ sắc nét trong kết quả tìm kiếm cũng hấp dẫn hơn trước người dùng và có thể làm tăng khả năng người dùng truy cập trang. Hình ảnh thường chiếm phần lớn nhất trong kích cỡ tổng thể của trang và có thể làm cho trang tải chậm và tốn nhiều tài nguyên. Hãy nhớ áp dụng phương thức tối ưu hoá hình ảnh mới nhấtkỹ thuật hình ảnh thích ứng để cung cấp trải nghiệm nhanh và chất lượng cao cho người dùng.

Hãy phân tích tốc độ trang web bằng công cụ PageSpeed Insights và truy cập trang Tại sao tốc độ của trang lại quan trọng? để tìm hiểu các kỹ thuật và phương pháp hay nhất nhằm cải thiện hiệu suất của trang web.

Tối ưu hoá trang đích của hình ảnh

Mặc dù không rõ ràng ngay lập tức nhưng nội dung và siêu dữ liệu của các trang nơi hình ảnh được nhúng có thể có ảnh hưởng lớn đến cách thức và vị trí mà hình ảnh đó có thể xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google.

Kiểm tra tiêu đề và nội dung mô tả trang

Google Tìm kiếm tự động tạo đường liên kết tiêu đề và đoạn trích để giải thích rõ nhất từng kết quả và sự phù hợp của kết quả với cụm từ tìm kiếm của người dùng. Điều này giúp người dùng quyết định có nên nhấp vào kết quả hay không. Dưới đây là hai ví dụ về hình thức của đường liên kết tiêu đề và đoạn trích trên trang kết quả tìm kiếm trên Google:

Hình minh hoạ cho thấy tiêu đề và nội dung mô tả trong kết quả tìm kiếm hình ảnh

Chúng tôi sử dụng nhiều loại nguồn cho thông tin này, bao gồm cả thông tin trong thẻ titlemeta cho từng trang.

Bạn có thể giúp chúng tôi cải thiện chất lượng của đường liên kết tiêu đề và đoạn trích hiển thị cho các trang của bạn bằng cách làm theo nguyên tắc của Google về tiêu đềđoạn trích.

Thêm dữ liệu có cấu trúc

Nếu bạn sử dụng dữ liệu có cấu trúc, Google có thể hiển thị hình ảnh của bạn trong một số kết quả nhiều định dạng, chẳng hạn như huy hiệu nổi bật trên Google Hình ảnh để cung cấp cho người dùng thông tin liên quan về trang của bạn và có thể thúc đẩy lưu lượng truy cập mục tiêu hiệu quả hơn đến trang web của bạn.

Hãy làm theo nguyên tắc chung đối với dữ liệu có cấu trúc cũng như mọi nguyên tắc cụ thể cho loại dữ liệu có cấu trúc của bạn. Nếu không, dữ liệu có cấu trúc của bạn có thể không đủ điều kiện xuất hiện dưới dạng kết quả nhiều định dạng trên Google Hình ảnh. Trong mỗi loại dữ liệu có cấu trúc nêu trên, thuộc tính hình ảnh là trường bắt buộc để trang đủ điều kiện xuất hiện kèm theo huy hiệu và trong kết quả nhiều định dạng trên Google Hình ảnh. Dưới đây là hai ví dụ về hình thức của kết quả nhiều định dạng trên Google Hình ảnh:

Hình minh hoạ thể hiện cách kết quả nhiều định dạng có thể xuất hiện trong Google Hình ảnh

Sử dụng tên tệp, tiêu đề và văn bản thay thế mang tính mô tả

Google trích xuất thông tin về chủ đề của hình ảnh dựa trên nội dung của trang, bao gồm cả chú thích và tiêu đề của hình ảnh. Bất cứ khi nào có thể, hãy đảm bảo hình ảnh được đặt gần văn bản liên quan và trên các trang liên quan đến chủ đề của hình ảnh.

Tương tự như vậy, tên tệp có thể gợi ý sơ bộ cho Google về chủ đề của hình ảnh. Nếu được, hãy sử dụng tên tệp ngắn gọn nhưng có tính mô tả. Ví dụ: my-new-black-kitten.jpg tốt hơn IMG00023.JPG. Nếu được, hãy tránh dùng tên tệp chung chung như image1.jpg, pic.gif, 1.jpg. Nếu trang web của bạn có hàng nghìn hình ảnh, bạn nên xem xét việc đặt tên hình ảnh theo cách tự động. Nếu bạn bản địa hoá hình ảnh, hãy nhớ dịch cả tên tệp và chú ý đến nguyên tắc mã hoá URL nếu bạn có sử dụng ký tự đặc biệt hoặc ký tự không phải chữ La-tinh.

Thuộc tính quan trọng nhất khi cung cấp thêm siêu dữ liệu cho hình ảnh là văn bản thay thế (văn bản mô tả hình ảnh). Văn bản này cũng giúp cải thiện khả năng hỗ trợ tiếp cận cho những người không xem được hình ảnh trên trang web, chẳng hạn như người dùng sử dụng trình đọc màn hình hoặc người dùng có kết nối băng thông thấp.

Google sử dụng văn bản thay thế cùng với thuật toán thị giác máy tính và nội dung của trang để hiểu chủ đề của hình ảnh. Ngoài ra, văn bản thay thế trong hình ảnh cũng có thể dùng làm văn bản liên kết nếu bạn quyết định sử dụng hình ảnh làm đường liên kết.

Khi viết văn bản thay thế, hãy chú trọng việc tạo nội dung giàu thông tin, hữu ích, sử dụng từ khoá thích hợp và phù hợp với ngữ cảnh của nội dung trên trang. Tránh điền từ khoá vào thuộc tính alt (hành vi này còn được gọi là nhồi nhét từ khoá) vì làm như vậy sẽ mang lại trải nghiệm tiêu cực cho người dùng và có thể khiến trang web của bạn bị coi là nội dung rác.

Kém (thiếu văn bản thay thế):

<img src="puppy.jpg"/>

Kém (nhồi nhét từ khoá):

<img src="puppy.jpg" alt="chó cún chó con chó nhỏ chó cún chó con retriever labrador husky thức ăn cho chó đồ ăn giá rẻ cho chó con"/>

Tốt hơn:

<img src="puppy.jpg" alt="chó con"/>

Tốt nhất:

<img src="puppy.jpg" alt="Chú chó đốm chơi nhặt đồ"/>

Ngoài ra, hãy xem xét khả năng hỗ trợ tiếp cận của văn bản thay thế theo nguyên tắc W3. Đối với phần tử <img>, bạn có thể thêm thuộc tính alt của phần tử này; còn đối với phần tử <svg> cùng dòng, bạn có thể sử dụng phần tử <title>. Ví dụ:

<svg aria-labelledby="svgtitle1">
  <title id="svgtitle1">Googlebot wearing an apron and chef hat, struggling to make pancakes on the stovetop</title>
</svg>

Bạn nên kiểm tra nội dung của mình bằng cách kiểm tra khả năng hỗ trợ tiếp cậndùng một trình mô phỏng kết nối mạng chậm.

Chọn không liên kết cùng dòng trong Google Hình ảnh

Nếu muốn, bạn có thể ngăn hình ảnh có kích thước đầy đủ xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm của Google Hình ảnh bằng cách chọn không liên kết cùng dòng trong kết quả tìm kiếm của Google Hình ảnh. Cách chọn không liên kết cùng dòng:

  1. Khi hình ảnh của bạn được yêu cầu, hãy kiểm tra tiêu đề liên kết giới thiệu HTTP trong yêu cầu đó.
  2. Nếu yêu cầu đó đến từ một miền của Google, hãy trả lời bằng mã trạng thái HTTP 200 hoặc mã trạng thái HTTP 204 không kèm theo nội dung.

Google sẽ vẫn thu thập dữ liệu trang của bạn và thấy hình ảnh, nhưng sẽ cho thấy một hình thu nhỏ được tạo vào thời điểm thu thập dữ liệu trong kết quả tìm kiếm. Bạn có thể chọn không liên kết cùng dòng bất kỳ lúc nào và không cần xử lý lại hình ảnh của trang web. Hành vi này không được coi là kỹ thuật che giấu hình ảnh và sẽ không dẫn đến việc chúng tôi áp dụng hình phạt thủ công.

Ngoài ra, bạn cũng có thể khiến hình ảnh hoàn toàn không xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.

Tìm kiếm an toàn là một chế độ cài đặt trong tài khoản của người dùng Google. Chế độ này quyết định xem sẽ hiển thị, làm mờ hay chặn các hình ảnh, video và trang web phản cảm trong kết quả tìm kiếm trên Google. Hãy đảm bảo Google hiểu được bản chất của trang web của bạn để có thể áp dụng bộ lọc Tìm kiếm an toàn cho trang web của bạn khi phù hợp. Tìm hiểu thêm về cách gắn nhãn các trang cho tính năng Tìm kiếm an toàn.